Rắn khổng lồ
Tảng sáng, anh xe ôm tên Tâm (dân Thốt Nốt, Cần Thơ, ra đảo hơn chục năm) lôi tôi dậy cùng "hành quân" lên phía bắc đảo. Mất hơn một giờ vượt quãng đường ba chục cây số từ thị trấn Dương Đông về trung tâm xã Bãi Thơm, lại thêm nửa giờ theo con lộ làng, chúng tôi mới tới được núi Chảo, thuộc tiểu khu 124, xã Hàm Ninh. Chỉ tay lên ngọn đồi trước mắt, ông Sáu Tỏ, 72 tuổi kể: "Hồi trước ngọn núi đó rắn không à, không ai dám lên đâu. Một hôm có tay thợ săn tên Ri, ở phía nam đảo đi ngang qua, bị con hổ mây dài hơn 3 mét rượt chạy thục mạng, may có con chó chạy theo táp đuôi rắn. Bị cắn đau, con rắn mới bỏ người, quay lại đuổi theo con chó, nhờ vậy tay thợ săn kia mới thoát thân. Còn con chó hôm sau mới mò về tới nhà, mình mẩy đầy thương tích, qua ngày sau thì chết". Rồi ông như nói với chính mình: "Mấy năm trước, do rắn có giá, cả trăm ngàn đồng một ký, nên người ta đổ xô đến săn bắt, làm cho rắn muốn hết. Gần đây, mấy ông kiểm lâm bắt dữ lắm, nên dân săn rắn đổi nghề, rắn đang hồi sinh...".
Nhiều người dân ở Rạch Tràm đã xác nhận với chúng tôi những chuyện ông Sáu Tỏ kể là có thật. Họ nói thêm: "Thì chính lão ấy cũng là một tay thợ săn có tiếng một thời, kể làm sao trật được!".
Rắn lục là loài rắn khá phổ biến và dễ thấy tại Phú Quốc
Vẫn chuyện về rắn, tôi được ông Năm Luận (đại tá, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang, kiêm Huyện đội trưởng Phú Quốc, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyệån Phú Quốc) kể: "Cách đây vài năm, trên đường đi lên phía bắc đảo, chiếc xe Jeep của tôi bất thình lình cán ngang một con rắn cỡ bắp chân bò ngang đường khiến lái xe không kịp đạp thắng. Nhưng con rắn này cũng chưa lớn bằng con rắn hồi chiến tranh biên giới Tây Nam mà tôi cùng 3 người đi trên xe tận mắt trông thấy. Chuyện như vầy: Vào khoảng 4 giờ chiều, trên đường đi từ Trung tâm Huấn luyện quân sự về thị trấn Dương Đông, đến gần suối đá chúng tôi trông thấy xa xa phía trước một khúc cây to gần bằng cột nhà, dài đến năm, sáu thước, nằm trên lòng đường. Bác tài tên Sáng thấy vậy mới chạy chậm lại, định cho xe lách qua một bên để đi tiếp thì bất ngờ "khúc cây" ấy chuyển động băng ngang qua đường, xe đang đà chạy khá nhanh nẩy lên rất mạnh. Quay lại, chúng tôi đều thất kinh khi thấy rõ con rắn đang bò xuống suối chứ không phải khúc cây...".Cuộc báo thù của lọ nồi
Bác sĩ D., đang công tác tại Bệnh xá Quân đội Phú Quốc kể cho chúng tôi nghe: "Người dân đảo nhớ như in chuyện ông thợ săn tên Năm Kiện (ở Bù Đăng, Bình Phước) ra đảo hành nghề. Dạo đó, cà khu (còn gọi là lọ nồi) trên đảo nhiều vô kể. Loài thú này khôn đáo để, nhưng vẫn bị ông thợ săn kia thịt không biết bao nhiêu mà kể. Chỉ có một con lọ nồi đực, có lẽ là thủ lĩnh của một đàn lọ nồi 5 con, là không bị bắn hạ. Và, không biết từ lúc nào, con vật này luôn theo sát Năm Kiện mỗi khi ông đi rẫy, đi rừng để tìm dịp trả thù cho đàn. Nhiều bận, Năm Kiện đi cắm câu ven suối, bữa sau quay lại thăm đều thấy cần câu quay ngược lên bờ. Bực mình, Năm Kiện lại bỏ công rình rập để trừng trị "thằng nào chơi xỏ". Không ngờ "thằng ấy" lại chính là một con lọ nồi. Thế là ông xông ra định bắt, không ngờ nó "phản công", cắn chặt vào cổ tay ông. Bị vết thương ngay mạch cổ tay, máu ra nhiều nhưng Năm Kiện vẫn cố hết sức bình sinh dùng hai tay bóp chặt cổ con vật. Cuối cùng hai bên đều kiệt sức, nằm luôn tại bờ suối. May là xe ben của Nông trường Phú Lâm (Phú Quốc) đi ngang gặp, chở cả người và vật về Trung tâm Y tế huyệån Phú Quốc cấp cứu. Năm Kiện thoát chết, nhưng mất hơn 3 tháng mới bình phục, còn con lọ nồi nặng hơn 20 kg thì chết hẳn. Sau bận ấy, Năm Kiện giải nghệ, cuốn gói dông tuốt về quê...".
Câu chuyện kỳ bí về "cuộc báo thù của lọ nồi" này đã nhanh chóng lan truyền khắp đảo, ai nghe cũng xót xa cho cả người và vật.
Tiếng hú của "nàng tiên cá"
Dugong trên vùng biển Phú Quốc. (ảnh: T.L)
Trên rừng đã thế, dưới lòng biển bao quanh hòn đảo ngọc này cũng không thiếu chuyện ly kỳ. Dân "làng lặn biển" Bãi Bổn, Rạch Hàm, thuộc xã Hàm Ninh khi đi biển, thi thoảng lại bắt gặp những con vật to đùng đang ăn "cỏ" dưới đáy biển. Đây là con dugong (còn gọi là bò biển) - một loài động vật biển thuộc hàng đặc biệt quý hiếm, được xếp vào sách Đỏ của thế giới.
Theo chỉ dẫn của anh Trần Văn Lâm - Trưởng ấp Rạch Hàm, tôi tìm đến nhà ngư dân Sáu Khâu - người nổi tiếng có nhiều lần "diện kiến" bò biển nhất. Quả không bõ công, trong căn nhà trông ra hòn Son, hòn Đầm - nơi bò biển thường xuất hiện, các lão ngư kể vanh vách từng thói quen, tập tính, hình dạng, màu sắc từng phần trên cơ thể loài động vật biển này. Một lão ngư còn cao hứng: "Các chú thấy một lần là mê ngay, những đêm sáng trăng đi biển, nghe "nàng tiên cá" hú vang là thế nào chúng tôi cũng trúng đậm". Rồi chuyện ngư dân đánh được cá lạ, không dám bắt phải thả về với biển, thả xong lại phải khấn vái cầu an; chuyện bạn ghe đánh bắt xa bờ phải mang theo trái bầu, trái bí để phòng khi gặp cá mập bám theo thì luộc lên, rồi quẳng xuống để đuổi chúng đi; chuyện cá ông cứu một ngư dân ở An Thới bị đắm thuyền ngoài khơi, đưa vào bờ. Thực tại và quá khứ, huyền thoại và sự thật cứ đan xen vào nhau, ly kỳ như vẻ đẹp huyền ảo của hòn đảo ngọc giữa đại dương vậy.
Mang những chuyện này kể lại với anh Phạm Quang Bình - Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc, anh không ngạc nhiên mà còn cho biết thêm: "Theo khảo sát gần đây của Viện Điều tra quy hoạch rừng 2 phối hợp với Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, thì trong hơn 31.000 ha rừng Phú Quốc với gần 9.000 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có đến 26 loài thú, 84 loài chim, 29 loài bò sát, 11 loài lưỡng thê... Do có điều kiện môi trường lý tưởng nên các loài động vật này phát triển ngày càng đa dạng". Tuy nhiên, điều mà anh không thể lý giải được là những loài động vật này đã có mặt trên hòn đảo trơ trọi này từ khi nào và bằng cách nào ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét