Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Mập mờ ngọc trai giá bèo ở Phú Quốc

Thương hiệu ngọc trai nổi tiếng của Phú Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các loại ngọc trai dỏm, rẻ tiền... không rõ nguồn gốc đang đội lốt ngọc trai bản xứ tràn ngập các cửa hiệu trên đảo.

 Ngọc trai giá rẻ bèo bày bán tại chợ đêm Dinh Cậu (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) 

“Tới Phú Quốc nếu không mua nước mắm, rượu sim hay ngọc trai thì coi như chưa đến Phú Quốc”. Câu nói cửa miệng của du khách khi đến đảo Phú Quốc cho thấy ngọc trai từ lâu được xem là một trong những sản vật đại diện cho hòn đảo du lịch này. Ngọc trai Phú Quốc xưa nay nổi danh khắp nơi nhờ nét đẹp tuyệt hảo, độ bền cao và vùng đảo này thường hay tìm thấy được những viên ngọc vô cùng quý hiếm. Thậm chí, Phú Quốc cũng từng xôn xao những chuyện các ngư dân đổi đời khi may mắn tìm được viên ngọc quý, trị giá có khi bằng cả gia tài.


"Ngọc trai nuôi cấy chúng tôi còn không đủ bán, có đâu đi bán ở ngoài chợ như vậy" - Chị Lê Thị Mỹ Dung, chủ cơ sở ngọc trai Quốc An (ấp Đường Bào, xã Dương Tơ).

“Thợ lặn tìm ngọc thì nhiều, nhưng lâu lâu mới có người trúng nên ngọc trai Phú Quốc ngày trước hiếm lắm, viên nào ra viên nấy, chứ đâu lộn xộn như bây giờ”, thợ lặn Hai Năng ở xã An Thới nhớ lại.

Tiệm tạp hóa cũng bán “sản vật”

Tiếng tăm về “đảo ngọc” là vậy, cho nên năm 1994, sau thời gian khảo sát kỹ lưỡng, người Nhật lần đầu tiên mở trang trại nuôi cấy ngọc trai ở Phú Quốc. Sau người Nhật, người Úc cũng tìm đến mở trang trại ngọc trai. Những viên ngọc thu hoạch ở đây đều được họ đưa hết về xứ để bán. Thế rồi, do khủng hoảng kinh tế, lần lượt hết người Nhật đi, người Úc về nước, để lại trang trại và bí quyết nuôi cấy ngọc trai cho những đối tác bản xứ. Đến nay, những hộ dân này là những người hiếm hoi thành đạt với thương hiệu ngọc trai Phú Quốc của mình.

Nói là hiếm hoi bởi thực tế chỉ có vài ba hộ nuôi cấy được ngọc trai, số lượng ngọc trai thu hoạch được cũng rất ít. Ngọc trai nuôi cấy được chỉ trưng bán tại các cửa hàng của họ, hoàn toàn không bỏ mối cho các cửa hàng bán ngọc trai khác trên đảo.

Vậy mà đến Phú Quốc, du khách có thể thấy tràn ngập các loại “ngọc trai” được giới thiệu là “ngọc trai Phú Quốc” bày bán khắp nơi. Từ các showroom đến các nhà hàng, khách sạn, sạp bán quà lưu niệm, cả tiệm tạp hóa cũng có! Giá “ngọc trai” chỉ vài chục ngàn đồng. Một chủ tiệm bày bán “ngọc trai” chung với áo thun, quà lưu niệm ở chợ đêm Dinh Cậu (thị trấn Dương Đông) quả quyết: “Tới Phú Quốc thì chỉ có ngọc trai Phú Quốc chứ đâu có ngọc trai xứ khác”.


“Không cho thử là ngọc trai dỏm”


Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, cho biết: “Trên thị trường có nhiều loại ngọc trai như ngọc trai nước ngọt, nước mặn, ngọc trai trong nước và ngọc trai nước ngoài, thường là từ Trung Quốc. Ngọc trai thử mới biết được thật hay không, nếu người bán không cho thử thì đó chắc chắn là ngọc trai dỏm. Cách thử là chà ngọc lên mặt kính (có thể là tủ kính của người bán hàng), khi vuốt lại viên ngọc trai vẫn nguyên vẹn, không bị trầy xước là hàng thật, còn nếu ngọc bị tróc ra là hàng giả. Một viên ngọc trai có chất lượng, giá cao, nhiều khi lên đến 10 - 20 triệu đồng/viên. Một viên ngọc trai chất lượng thấp, hoặc ngọc trai nước ngọt giá chỉ mấy trăm ngàn đồng/viên”.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Mỹ Dung, chủ cơ sở ngọc trai Quốc An (ấp Đường Bào, xã Dương Tơ), lắc đầu: “Ngọc trai nuôi cấy chúng tôi còn không đủ bán, có đâu đi bán ở ngoài chợ như vậy”. Theo chị Dung, việc nuôi cấy ngọc trai vô cùng khó khăn. Để có được viên ngọc thương phẩm, thời gian nuôi cấy ít ra phải là 3 năm. Quy trình nuôi cấy rất nghiêm ngặt nhưng tỷ lệ ngọc đẹp cũng chỉ từ 5 - 10%. May mắn lắm người nuôi trai mới thu được viên ngọc đẹp hoàn hảo.

“Ngọc trai đẹp có viên chúng tôi bán đến vài trăm triệu đồng chứ không có chuyện ngọc trai có giá vài chục, vài trăm ngàn, vài triệu đồng đâu”, chị Dung khẳng định: “Họ mua bán lộn xộn lắm”.

Vậy số ngọc trai được người bán giới thiệu là “ngọc trai Phú Quốc” được bày bán khắp nơi có xuất xứ từ đâu?

Phải rất vất vả với những cái lắc đầu e ngại, vì “không muốn phá chuyện làm ăn của người khác”, cuối cùng chúng tôi cũng thuyết phục được một người từng buôn ngọc trai ở Phú Quốc, nay đã giải nghệ bật mí cho đường đi của “ngọc trai” ra đến đảo Phú Quốc. Đó là ông L.T.V. Ông cho biết buôn ngọc trai là siêu lời, thế nhưng ông phải bỏ vì “họ mua bán lộn xộn lắm. Ngọc trai Phú Quốc bị giả dạng riết rồi cũng mất uy tín, đâm ra ế ẩm”. Theo ông V., phần lớn “ngọc trai” bán ở Phú Quốc đều có xuất xứ không phải Phú Quốc. “Chỉ có những điểm nuôi cấy ngọc trai mới có ngọc trai để bán, còn lại là hàng được lấy từ nơi khác, mà phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc”, ông V. nói.

Theo ông này, thời gian còn kinh doanh ngọc trai, ông đã không ít lần ra tận Quảng Ninh để đón hàng từ Trung Quốc đưa sang. “Hàng lấy ở đây rất rẻ, bán từng lô, từng bọc, mua về rồi mới phải phân loại, gia công lại mới bán...”. Đặc điểm dễ nhận dạng loại hàng này là trong khi ngọc trai Phú Quốc chính hiệu dù khai thác trong tự nhiên hay nuôi cấy cũng đều khó lòng đạt đến độ hoàn hảo, ít nhiều phải có tì vết thì “ngọc trai” Trung Quốc tròn đẹp hoàn hảo.

Một người lâu năm trong nghề mua bán ngọc trai ở Phú Quốc giải thích: Ngọc trai tự nhiên hình thành từ lõi là sỏi, cát trong thân con trai, được trai tiết dịch thành lớp áo bao quanh. Thời gian càng lâu thì lớp áo này càng dày, viên ngọc ngày càng lớn hơn. Với ngọc nuôi cấy cẩu thả thì người ta cấy nhân vào miệng con trai để chúng tiết ra lớp áo bao bên ngoài thành ngọc. Có những viên ngọc nhìn thấy khá lớn nhưng thực ra do nhân bên trong to, còn lớp áo bên ngoài rất mỏng. Thường mua về không bao lâu là lớp áo bên ngoài bong tróc ra, lộ lớp nhân bên trong. Loại ngọc trai này chất lượng kém, mau “xuống màu”. Còn hàng Trung Quốc tệ hơn, được sản xuất bằng cách dùng vỏ trai mài ra thành bột, trộn với keo rồi dùng máy dập kết thành viên, sau đó đánh bóng lại. Vì vậy loại “ngọc” này rất tròn, đẹp óng ánh, khách bình thường rất khó phân biệt.

Cách để phân biệt ngọc trai thật hay giả thường là chà xát vào viên ngọc. Nếu là ngọc thật thì sẽ bị trầy bởi vết chà xát nhưng sau đó chỉ cần dùng tay phủi nhẹ bề mặt, ngọc sẽ lại bóng sáng. Cách nữa là dùng lửa đốt thử, ngọc trai thật thì không bị chảy ra. Tuy nhiên khó cái là cả hai cách này đều bị người bán từ chối cho thử với lý do dễ làm mất phẩm chất của viên ngọc. Vì vậy, lời khuyên đối với du khách khi muốn mua ngọc trai là nên đến những cơ sở nuôi cấy ngọc trai uy tín.

Tại Phú Quốc, các cơ sở nuôi cấy ngọc chuyên nghiệp cũng luôn bảo đảm chất lượng và nguồn gốc viên ngọc mình bán ra.
 

“Phù phép” ngọc trai biển

Theo nghệ nhân quốc gia Hồ Thanh Tuấn, chuyên gia về ngọc trai, chính vì giá trị của ngọc trai biển cao gấp nhiều lần ngọc trai nước ngọt nên trên thị trường một số nước xảy ra tình trạng lấy ngọc trai nước ngọt xử lý màu để ra màu sắc tương tự ngọc trai biển, nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà ở nhiều nước khác, kể cả ở VN. Ngoài ra, ở một số nước hiện nay, người ta có thể làm giả bằng cách dùng bột của vỏ con trai trộn với thủy tinh chì tạo ra viên ngọc trai giả với những lớp (layer) có tế bào xà cừ sáng bóng giống y như thật, viên ngọc trai này có thể qua mắt được các xét nghiệm thông thường, tuy nhiên khi dùng công nghệ xét nghiệm chiếu tia x-ray hoặc khoan lỗ thì dễ dàng nhận biết vì chúng không có nhân cứng.

Tiến Trình-http://thanhnien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét