Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Tan hoang rừng Phú Quốc

Phá banh rừng Phú Quốc

Nạn phá rừng nguyên sinh cùng với tình trạng tái chiếm đất rừng để phân lô bán đang bùng phát trở lại ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Những ngày gần đây, len lỏi vào các khu rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc ở 2 xã Cửa Cạn, Gành Dầu của huyện Phú Quốc, chúng tôi bắt gặp nhiều nhóm người chặt phá cây rừng, dùng máy cuốc ngang nhiên đào bới những gốc cây to để phân lô.
Hoành hành Cửa Cạn, Gành Dầu

Cửa Cạn và Gành Dầu là 2 xã có nhiều khu rừng nguyên sinh bị chặt phá nhất hiện nay ở Phú Quốc. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 868 ngày 17-6-2015 - cho phép chuyển đổi một số diện tích đất rừng phục vụ quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 - nạn phá rừng càng gia tăng.

Tại ấp 3, xã Cửa Cạn, cả một khu rừng trên 10 ha vừa bị đốn hạ nham nhở. Khu vực này chỉ cách trạm kiểm lâm và UBND xã Cửa Cạn vài cây số. Tại những nơi rừng chưa bị chặt phá ở ấp này, chúng tôi cũng thấy có hiện tượng phân lô. Một người dân trong vùng cho biết: “Khu vực này là đất rừng do nhà nước quản lý nhưng đang bị nhiều người chiếm dụng, phân lô bán với giá khoảng 3 tỉ đồng/ha. Thậm chí, do tranh chấp quyết liệt, họ đưa cả “xã hội đen” vào giải quyết”. 
 Nhiều cây rừng ở Phú Quốc bị đốn hạ không thương tiếc
Nằm ven con đường nối liền Nam - Bắc đảo Phú Quốc, những cánh rừng tại khu vực ấp 4, xã Cửa Cạn cũng đang bị tỉa dần. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu rừng đã bị chặt phá này là phần đất do UBND xã Cửa Cạn quản lý.
 Cây rừng ở sau nhà ông Nguyễn Quốc Huệ bị chặt phá, thay vào đó là dãy nhà mới vừa mọc lên
Cây rừng ở sau nhà ông Nguyễn Quốc Huệ bị chặt phá, thay vào đó là dãy nhà mới vừa mọc lên
Trước đây, trên địa bàn ấp 4, xã Cửa Cạn, hai bên đường từ ngã ba rẽ về cầu Rạch Cóc chạy dài lên phía Bắc đảo Phú Quốc là rừng nguyên sinh, chẳng ai dám đụng vào. Tuy nhiên, giờ đây, nguyên cánh rừng này đã bị phá nát, thay vào đó là các công trình xây dựng casino, sân bóng đá, quán nhậu, karaoke...
Tại xã Gành Dầu, nơi tiếp giáp với các “siêu” dự án du lịch, tình trạng lấn chiếm, mua bán đất phức tạp không kém. Mới đây, một vụ phá rừng quy mô lớn đã xảy ra ngay tại ấp Gành Dầu của xã này. Theo báo cáo của UBND xã Gành Dầu, diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm lên đến 2,2 ha. Bà Nguyễn Thị Công (ngụ xã Gành Dầu) là người thuê nhân công và cho xe cuốc vào phá khu rừng này. Không chỉ thừa nhận hành vi phá rừng, bà Công còn cho biết đang nhờ người cháu làm sổ đỏ cho 6,2 ha đất rừng đã “khai phá” khác.
Theo một cán bộ địa chính xã Gành Dầu, kiểm tra sơ bộ cho thấy có 14 hộ lấn chiếm 2,7 ha rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý. Các đối tượng lấn chiếm đều là dân địa phương.
Vô tư chiếm đất rừng
Song song với nạn phá rừng, sau một thời gian tạm lắng, tình trạng tái chiếm đất rừng đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở đảo ngọc này trước sự bất lực của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Điển hình, tại Tiểu khu 81 vùng đệm Vườn Quốc gia Phú Quốc (nằm trên địa bàn ấp 2, xã Cửa Cạn), vào năm 2009, ông Nguyễn Đình Chiến (ngụ ấp 2) đã đến bao chiếm 4.143 m2 đất rừng. Đáng nói là do không kiểm tra hiện trạng nên hội đồng tư vấn xã Cửa Cạn cho rằng thửa đất này đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền cho ông Chiến. Vì thế, năm 2010, ông Chiến được UBND huyện Phú Quốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Năm 2011, ông Chiến bán thửa đất này cho ông Nguyễn Văn Áng, công tác tại Đội QLTT huyện Phú Quốc.
Sau khi vụ việc bị báo chí phản ánh, UBND huyện Phú Quốc kết luận việc xét duyệt cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Chiến là trái pháp luật. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phú Quốc cũng đã có kết luận và kiến nghị xử lý các cá nhân liên quan, đồng thời kiến nghị UBND huyện thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ của ông Chiến. Thế nhưng, đến nay, lô đất này đã bị tái chiếm, phát trắng cả một khu rừng và đang được rao bán với giá 4 tỉ đồng!
Tình trạng tái chiếm đất rừng cũng đang diễn ra rầm rộ ở ấp 4, xã Cửa Cạn. Vào năm 2012, khu đất rừng do ông Nguyễn Quốc Huệ chiếm chỉ có căn nhà tường còn mới, sau lưng là đám tràm bông vàng mới trồng, xung quanh hầu hết là cây rừng, có cây đã thuộc hàng cổ thụ. Tuy nhiên, chẳng hiểu làm cách nào, ông Huệ lại nhận được gần 2 tỉ đồng tiền bồi thường từ dự án Lan Anh cho diện tích hơn 22.000 m2. Dự án này do Công ty TNHH May thêu và Thương mại Lan Anh (TP HCM) đăng ký đầu tư Khu Du lịch sinh thái Vũng Bầu.
Ngoài diện tích trên, ông Huệ cho biết còn “khai khẩn” khoảng 36.500 m2 đất rừng, trong đó 32.500 m2 chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Điều lạ là theo báo cáo của Vườn Quốc gia Phú Quốc, ông Huệ được bồi thường toàn bộ diện tích 36.500 m2 đất này vì nằm ngoài vườn quốc gia.
Theo biên bản kiểm tra hiện trạng của hội đồng thẩm định UBND huyện Phú Quốc xét duyệt ngày 26-11-2010, 32.500 m2 chưa được cấp giấy chứng nhận của ông Huệ không có cây trồng, không có thành quả lao động và còn là rừng tự nhiên. “Dù vậy, ngoài tiền bồi thường về đất thì sau này, ông Huệ còn được nhận tiền hỗ trợ bằng việc lấy số tiền bồi thường nhân thêm 3 lần. Nếu không làm rõ việc ông Huệ nhận tiền bồi thường từ đất rừng thì ông còn được nhận thêm gần 6 tỉ đồng tiền hỗ trợ nữa. Thất thoát cho ngân sách là rất lớn” - một cán bộ địa phương phản ánh.
Đáng nói hơn cả là hiện nay, khu đất còn cây rừng tự nhiên sau nhà ông Huệ đã bị chặt phá tan hoang. Thay vào đó, nhiều căn nhà tường cất thành dãy đã mọc lên. Như vậy, chẳng những được bồi thường mà người chiếm đất công còn tiếp tục được xây nhà.
Đùn đẩy trách nhiệm
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc ai là người chịu trách nhiệm khi đất rừng bị bao chiếm, tái chiếm, ông Ngô Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, cho biết: “Cả chính quyền địa phương và ngành kiểm lâm phải chịu trách nhiệm chung về vấn đề này”. Ông Xuân cũng thừa nhận địa phương đang gặp khó khăn khi ngành kiểm lâm chưa bàn giao thực địa đất rừng đã có quyết định chuyển đổi cho xã quản lý.
Trong khi đó, ông Trà Tho, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc, khẳng định: “Phân cấp đất vùng đệm là do xã quản lý, còn ranh đất nằm trong vườn quốc gia thì kiểm lâm quản lý, hai bên phối hợp thực hiện. Khi xử lý thì đất vùng đệm là do xã, không cần bàn giao gì cả, chỉ căn cứ vào mốc rừng thôi”.
Lãnh đạo xã cũng muốn “xí phần”
Theo ghi nhận của chúng tôi, với việc hàng trăm hecta đất của vườn quốc gia, đất rừng phòng hộ được chuyển đổi để phát triển du lịch và quy hoạch phát triển chung, nhiều người đã lợi dụng chiếm đất rừng để trục lợi, trong đó có cả cán bộ địa phương.
Điển hình, khu đất rộng hơn 1 ha nằm ngay sau trụ sở ấp 3, xã Cửa Cạn trước đây được ông Hà Việt Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã) xin hợp thức hóa nhưng không được chấp thuận vì là đất rừng thuộc nhà nước quản lý. Tuy nhiên, khu đất trị giá khoảng 7 tỉ đồng này hiện đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, người đứng tên là ông Lê Việt Hùng (?). Về việc này, người dân địa phương đề nghị cơ quan thẩm quyền làm rõ chủ nhân thực sự của khu đất là ai và vì sao được cấp giấy chứng nhận QSDĐ?
Bài và ảnh: THỐT NỐT
(báo Người lao động)
9 bình luận
  • Thân Trọng Nhân · 09:07 ngày 02/05
    Mời ông Nguyễn Thanh Nghị ,bí thư tỉnh Kiên Giang đến giải quyết là xong. 
    • Hoang Duan · 08:59 ngày 02/05
      Dễ ợt, chỉ có điều chung tay nhau rồi thì đùn chung chung cho qua. Đất rừng phòng hộ mà bán được thì huyện này chắc tự trị
      • Trần Sát Thát · 08:54 ngày 02/05
         đang dần sa mạc hoá. Rừng không còn nữa, thì sự sống trên mảnh đất này cũng dần chết
        • Nguyen Huu Dung · 08:52 ngày 02/05
          Rừng Phú Quốc mà mất thì mất luôn PQ, bài học  tây Nguyên mà chính quyền k cảnh giác, PQ ở giữa biển sở dĩ có nước ngọt, có suối là có rừng, nếu mất rừng thì PQ thành đảo trọc, đất hoang, chính quyền nên có chiến lược phát triển bền vững, dài hạn, đừng vì cái lợi trước mắt mà mất đi cả nguồn sống của cả dân trên đảo, lấy dự án formosa làm bài học về sự phát triển nóng vội, giết chết biển, cá tôm.
          • Lê Mạc Mạc · 08:48 ngày 02/05Chính quyền k biết xã k hay,rồi mai đây đảo ngọc Phú quốc,Trở thành đất trống đồi trọc.Ôi thật buồn ai cứu lấy rừng Phú quốc dùm tôi là người dân trên đảo buồn quá nhìn rừng ta hoang ngày càng nhiều
            • My Vu Van · 08:48 ngày 02/05
               NHỮNG NGƯỜI VÔ TÂM , VÔ ĐỨC, QUẢN LÝ ĐẢO PHÚ QUỐC CHO NÊN ĐẪN ĐẾN TÌNH TRẠNG VÔ CHÍNH PHỦ NHƯ TRÊN!?
                • Thanh Hà · 08:30 ngày 02/05Theo tôi, nên đổi tên đảo Phú quốc thành " Bần quốc " vì cái gì cũng phá hết thì " Phú " ở đâu ?.
                  • Nguyễn Đức Thành · 08:24 ngày 02/05Phát triển nóng đảo Phú Quốc, kêu gọi đầu tư, chia lô, bán nền, đất lên giá từng ngày. Cán bộ, nhóm lợi ích đang tranh thủ tàn phá đảo. Nếu Chính phủ không can thiệp nhanh, qui trách nhiệm người đứng đầu hoặc những lãnh đạo đứng đằng sau bảo kê thì trong vài năm tới đảo Phú quốc không còn là đảo với những khu rừng hoang sơ lôi kéo khách đến tham quan và vui chơi nữa.

                  Không có nhận xét nào:

                  Đăng nhận xét